“Công trình xanh” – Khởi nguồn và Khái niệm

Khởi nguồn ” Công trình xanh”

Hiện nay, cụm từ “Công trình xanh” (CTX) đã xuất hiện được một thời gian và dần phổ biến hơn tại Việt Nam, tuy nhiên mức độ chênh lệch về số lượng Công trình xanh và Công trình thường vẫn còn rất lớn. Có nhiều nguyên nhân cản trở tốc độ phát triển của CTX, và một trong số đó là do nhận thức của đại bộ phận chưa đúng về bản chất của CTX. Hãy để VILANDCO chia sẻ tới bạn một số thông tin như sau:

Công trình Xanh hiện nay đã trở thành cuộc cách mạng của ngành xây dựng, phù hợp với mục tiêu Phát triển bền vững chung của toàn cầu. Từ đầu thế kỉ 21, khi mà các vấn đề liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu dần được quan tâm, các công trình xây dựng đã ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người thông qua các nỗ lực toàn diện trên các khía cạnh: Thiết kế, thi công, sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu, chính sách và tài chính.

Thuật ngữ “Công trình xanh” bắt đầu manh nha trên thế giới vào những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này, thế giới đã trải qua một quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa mạnh mẽ suốt gần 2 thế kỷ và nhận ra rằng, cái giá của công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế là thâm dụng tài nguyên, suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.

Nếu vẫn đi theo con đường mòn này, con người – môi trường sống – Trái Đất này – sẽ ra sao?

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã cho thấy những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu khi quá phụ thuộc vào loại năng lượng không có khả năng tái tạo này. Như vậy, từ đầu những năm 1970, câu chuyện về cách thức tiếp cận mới trong xây dựng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái đã được đặt ra. Kể từ đó, các hoạt động và nghiên cứu quan trọng đã được thúc đẩy để cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Ngành Xây dựng được xem là lĩnh vực có mức độ phát thải khí nhà kính cao nhất và cũng tiêu thụ tài nguyên vào loại nhiều nhất.

Theo thống kê ở nhiều quốc gia, ngành Xây dựng chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng và 25% tổng mức tiêu thụ nước hàng năm (theo Economy Watch); Trong đó 80% năng lượng tiêu thụ nằm ở giai đoạn vận hành công trình. Một ngành Xây dựng tiết kiệm và hiệu quả về tài nguyên và năng lượng sẽ là “lời giải” quyết định cho bài toán năng lượng chung của các quốc gia.

Để giải quyết các vấn đề khác nhau mà ngành công nghiệp xây dựng đang phải đối mặt, khái niệm “Công trình xanh” (Green Building) đã được nghiên cứu và mở rộng. Một cách đơn giản, Công trình xanh được hiểu là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt vòng đời của chúng (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ).

What Is Green Building

Khái niệm “Công trình xanh”?

Theo Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WGBC) định nghĩa: Công trình Xanh là những công trình mà trong thiết kế, xây dựng và vận hành của công trình đó giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực và tạo ra tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình Xanh bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Một số tiêu chí về công trình Xanh:

  • Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác
  • Sử dụng năng lượng thay thế (VD: năng lượng mặt trời)
  • Có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế, tái sử dụng
  • Đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình
  • Sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững
  • Tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành
  • Tính đến chất lượng cuộc sống trong thiết kế, thi công và vận hành
  • Thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường

Mọi công trình xây dựng đều có thể được công nhận là Công trình Xanh từ nhà ở, trường học, văn phòng hoặc các công trình công cộng,..nếu đạt được các tiêu chí như trên. Các quốc gia và khu vực khác nhau có nhiều đặc điểm khác nhau như điều kiện khí hậu đặc biệt, nền văn hóa và truyền thống độc đáo, các loại công trình đa dạng, hoặc các ưu tiên về môi trường, kinh tế và xã hội trên phạm vi rộng – tất cả đều định hình cách tiếp cận của họ đối với công trình xanh.

Tại Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) định nghĩa: Công trình Xanh là công trình đạt được hiệu quả  cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua:

  • Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả;
  • Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động;
  • Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

Qua một số chia sẻ trên đây của VILANDCO, chúng ta có thể xóa bỏ những lầm tưởng đang tồn tại về Khái niệm Công trình xanh:

  • Là trồng thật nhiều cây xanh trong và ngoài nhà, tạo cảnh quan đẹp và thân thiện với môi trường.
  • Là đầu tư ồ ạt vào những công nghệ mới, hiện đại.
  • Là chịu tốn kém và cần chạy đua theo xu thế xây dựng của các nước đã phát triển.