Công trình Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam, thuộc trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị (CUWC) đã đạt chứng nhận LOTUS GOLD chính thức và được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) trao chứng nhận vào ngày 31 tháng 8 năm 2023.
Công trình nằm trong khuôn viên trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị, địa chỉ tại Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, thời gian thực hiện dự án từ 2016 đến 2021. Tòa nhà Trung tâm Ngiên cứu có 5 tầng + 1 tầng kỹ thuật với tổng diện tích sàn xây dựng (GFA) là 3875 m2. Tư vấn thiết kế và lập dự án là Boydens Engineering & Odile Vandermeeren (Giai đoạn 1), NDC Consulting (Giai đoạn 2), VILANDCO đóng vai trò làm tư vấn chứng nhận công trình xanh cho Trung tâm Nghiên cứu này.
Phối cảnh công trình Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam
Công trình Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam được kỳ vọng là cơ sở giảng dạy, học tập và nghiên cứu công nghệ xây dựng xanh, đồng thời là mô hình mẫu của Bộ Xây dựng về công trình xanh tại Việt Nam. Dự án chính là hiện thực hóa cho các chính sách quản lý nhà nước về phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng.
Công trình đạt chứng nhận Công trình xanh – LOTUS hạng mức Vàng với mức điểm 65/108, đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn tài nguyên cũng như đảm báo sức khỏe và sự tiện nghi cho người sử dụng.
Bảng điểm của dự án
Chứng nhận LOTUS GOLD của dự án
Một số đặc tính xanh điển hình của dự án như sau:
Năng lượng:
• Giảm thiểu 26.5% tổng năng lượng tiêu thụ.
• 59.7% mật độ công suất chiếu sáng (LPD) được giảm thiểu bởi đèn hiệu năng cao.
• 9.71% tổng năng lượng sử dụng trong công trình đến từ năng lượng tái tạo.
• 43.6% năng lượng được tiết kiệm bởi hệ thống làm mát.
Hệ thống năng lượng tái tạo giúp đáp ứng 9,71% tổng năng lượng tiêu thụ
Hệ thống địa nhiệt tiết kiệm 71% tải sưởi ấm
Dự án sử dụng phần mềm mô phỏng Design Builder để phân tích thiết kế thụ động cho công trình thông qua các yếu tố như: vị trí, hướng công trình, kết cấu che nắng, vật liệu cách nhiệt, các kết cấu tường, mái, kính, chiếu sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên
Hệ thống lam che nắng
Nước:
- 8% lượng nước sử dụng được giảm thiểu nhờ các vòi tiết kiệm nước.
- 40% nước mưa được thu gom dùng cho tưới tiêu, xả nhà vệ sinh,…
Hệ thống tưới nhỏ giọt và cảm biến mưa giúp thu gom và tái sử dụng 100% nước mưa cho mục đích tưới tiêu, xả nhà vệ sinh,…
Vật liệu và tài nguyên:
- 100% tường không chịu lực được làm từ vật liệu không nung, dự án sử dụng gạch bê tông không nung (CMU) có hệ số dẫn nhiệt = 0,35 ~ 0,55 W/mK.
- Diện tích thu gom và phân loại rác đạt 39 m2.
Khu tập kết và phân loại rác thải sinh hoạt của công trình
Một số đặc tính xanh khác:
- Không gian mở được tăng thêm 15% nhờ vào vườn trên mái.
- Có chỉ số cây xanh 3.24.
- 54% diện tích dự án có thể thấm nước mưa.
- Hệ số tác động trung bình của môi chất lạnh tới bầu khí quyển của hệ thống điều hòa không khí lắp đặt trong tòa nhà là 5.98.
- Mô hình BIM được sử dụng trong quá trình thiết kế và vận hành tòa nhà.
- Có trang bị thang máy hiệu quả năng lượng
29.7% diện tích khu đất là thảm thực vật, đồng thời 41.54% diện tích trung bình của khu đất có khả năng thấm nước giúp xử lý nước mưa chảy tràn
Mô hình BIM được sử dụng trong quá trình thiết kế và vận hành tòa nhà
Trong buổi lễ trao chứng nhận, đại diện Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cũng như VILANDCO và đại diện trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị bày tỏ kỳ vọng, mô hình Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh Việt Nam thành công được nhân rộng, trở thành công cụ giáo dục trực quan cho học sinh, sinh viên và là mô hình tham khảo kiểu mẫu cho các bên liên quan, hướng tới nâng cao nhận thức và phát triển thị trường Công trình Xanh của Việt Nam.
Lễ trao chứng nhận công trình xanh LOTUS GOLD cho công trình